4 năm sau ngày tôi đi qua đây lần đầu khi đang học lái xe trong khu vực, tận hôm nay tôi mới có dịp thực sự đi vào phủ chơi để chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật lẫn kiến trúc của anh Chương.
Ấn tượng đầu tiên đó là một không gian sân vườn khá mở với những mái nhà ẩn khuất. Tôi có cảm giác mình đang lạc vào một ngôi chùa nào đó, bỏ hoang, không hương, không khói. Nhà « sư » duy nhất tôi gặp lại chính là chủ nhân của « phủ » này vội vã trong việc chỉ đạo tu sửa và sửa chữa những chi tiết hư hại trong khuôn viên này. Đầu trọc, đeo kính tròn, râu viền, ngoài đời và trong ảnh không khác nhau là mấy.
Dường như một ngôi làng thu nhỏ của đồng bằng bắc bộ lọt vào rong tầm mắt. Những mái nhà rêu phong cổ kính, chạm một vài con rồng, hay tắc kè trên mái. Những khóm cây bụi ẩn khuất trên những lối đi vuông vắn. Những bức tường thô mộc, xây không trát, làm nền cho những dây leo, những chiếc lá của cây vẩy ốc. Và thậm chí khuất trong những lùm cây, bạn lại có thể tìm một ngôi nhà làm từ đất kiểu trình tường, mộc mạc mà kiên cố.
Những tưởng tôi sẽ thấy những ngôi nhà đó xếp xếp cạnh nhau như trong bảo tàng dân tộc, tôi thực sự bất ngờ vì thấy rằng mình đang lạc vào một mê cung với những lối đi, những con đường sẽ dẫn bạn đi sang phải, sang trái, đi lên, hay đi xuống để rồi lại hòa nhập với nhau để bạn có thể quay lại vị trí ban đầu. Thật may mắn là « nghệ sĩ » đã tạo ra sự khác biệt ở mỗi góc nhìn để người đi có thể dễ dàng định vị lại vị trí của mình trong không gian đó. Sự xử lý chi tiết đó khéo léo, tinh tế, ở việc sử dụng những chất liệu, những đồ vật trang trí không lặp lại, một con lân, một bức tượng người, một bức tường điêu khắc, một ô cửa sổ lạ, một vài cái chum, một cái giếng hay một khoảng hồ nước rộng lớn.
Nếu chỉ có thế thì cũng chưa lột tả hết được sự thú vị của Việt phủ (Vietnamese Palace). Trong 8000m2 đất đó không chỉ tràn ngập không gian bản sắc Việt, tôi thấy thú vị hơn khi tìm thấy ngôi nhà nơi họa sĩ sống. Nó không còn là những nét sống cổ xưa của con người khi mà khoa học kỹ thuật không cho phép. Ở đây, một không gian sống hiện đại trong lòng một ngôi nhà cổ đập vào mắt. Mục đích của tôi khi tới nơi đây để tìm kiếm những chất liệu kiến trúc mà tôi muốn áp dụng vào việc làm thế nào để đưa không gian sống hiện đại vào một ngôi nhà cũ lại bỗng nhiên đã được trả lời ở đây. Hóa ra đã có người trả lời nó trước mình rất lâu rồi, cái mà tôi muốn làm với ngôi nhà cũ của mình để tránh việc cả nhà cứ đòi đập nó đi để xây lại một ngôi nhà xấu xí khác, bê tông hóa với mái bằng như tất cả những người khác đã làm trong làng. Tôi cũng tìm thấy một phần của không gian hiện đại này được chìm trong lòng đất. Có lẽ « kiến trúc sư » ở đây cũng đã nghiên cứu tới việc làm mát không gian khi chôn nó như vậy dù cái giá phải trả là một không gian phải được thắp sáng 24/24. Cái độc đáo đến thú vị tôi tìm thấy ở đây là sự tương phản mạnh mẽ giữa những chất liệu công nghiệp và những chất liệu tự nhiên. Một ô cửa sổ bằng nhựa, với góc nhìn lớn thoát ra khỏi không gian của nội thất để thấy những hình ảnh cổ kính bên ngoài. Và ở trên tầng lại có sự tương phản ngược lại với một vài đồ đạc cách điệu theo phong cách đương đại, trong nền một ngôi nhà mộc mạc, với cửa xếp gỗ, tủ gỗ, sập gỗ, tủ chè. Trò chơi của những « kiến trúc sư » mà người dân thường không bao giờ có thể nghĩ được.
Còn nhiều điều ngạc nhiên lẫn thất vọng nữa tôi tìm thấy, nhưng tôi nghĩ, chỉ cần có thế đã là đáng giá cho một cuộc phiêu lưu rồi. Ngắn, nhưng nhiều suy nghĩ, và cũng đáng giá để mua vé vào thăm nó, như một bảo tàng kiến trúc tư nhân, giữ được nguyên bản tinh thần « phát huy giá trị truyền thống trong kiến trúc ngày nay ».